Món cá là món ăn chủ đạo chính trong bữa ăn việt, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng để có món cá ngon đúng điệu, lại đậm đà mà không còn mùi tanh của cá thì không phải ai cũng làm được. Nội dung dưới đây cơm văn phòng xin chia sẻ với quý vị cách kho cá đậm đà, không bị tanh, thơm ngon khó tả. Để bữa ăn gia đình bạn thêm phong phú.
Nguồn internet
Bước 1: Chế biến cho cá không tanh
Thực tế cho thấy, để có được món cá kho biển hay cá đồng, sông ngon thì khâu chế biến làm sao cho cá không tanh là rất quan trọng. Có rất nhiều bí quyết để làm mất đi mùi tanh của cá sau khi đã rửa sạch.
Thứ nhất, bạn nên rửa cá bằng nước vo gạo sẽ giúp cá bớt tanh khi chế biến. Hoặc khi rửa nên xát muối vào mình cá, rửa bỏ hết máu tanh ở bụng và máu đọng dọc xương sống cá và mang cá.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng rượu gừng, hoặc giấm gạo hay muối hạt, chanh tươi để chà xát bề mặt ngoài và mặt trong con cá. Mùi thơm của rượu, giấm hoặc chanh và tính khử trùng của muối hạt sẽ nhanh chóng làm mùi tanh biến mất cũng như cá không còn bị nhớt.
Sau khi rửa sạch thì để cá ráo hoặc thấm khô cá rồi mới chế biến thì cũng giúp hạn chế mùi tanh. Và bạn nên nhớ, phần bụng của cá sẽ có những lớp màng đen, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nồi cá của bạn bị tanh. Chính vì vậy, bạn hãy bóc hết phần màng đen đó và rửa lại thật sạch.
Nếu làm cá mà bị vỡ mật, bạn có thể dùng rượu xoa vào chỗ mật cá, để một lúc, sau đó rửa sạch lại bằng nước lạnh, vị đắng của mật cá sẽ hết.
Nguồn Internet
Bước 2: Chiên hoặc rán qua cá
Chiên, rán sơ qua. Cá sẽ thơm ngon, ngậy và không bị vỡ, sau khi hoàn thành vẫn nguyên con trông rất đẹp mắt và có độ dai. Đặc biệt với những loại cá như cá bống, cá kèo, cá cơm, cá trích, cá trứng…nên làm theo cách này.
Nếu không có thời gian chiên rán, chị em có thể làm theo cách này. Để con cá, hoặc khúc cá đã được rửa sạch vào một chiếc rổ thưa. Sau đó dội nước nóng ở tầm 70 – 80 độ lên con cá. Nhớ đảo đều tay và nước không quá nóng dễ làm tróc da cá, rồi để ráo nước. Việc này giúp cho cá chẳng những không còn mùi tanh, mà còn giúp cá săn chắc lại, để lúc nấu lên vô cùng thơm ngon.
Bước 3: Ướp cá
Sau khi chiên hoặc gián, tiếp đến là khâu ướp cá. Muốn kho cá chắc thịt và thơm nên ướp cá với gia vị trước khoảng 2 giờ. Mỗi một người, mỗi vùng miền có cách kho cá và nêm mếm gia vị khác nhau tạo nên những hương vị đặc trưng của món ăn. Tuy nhiên, chung quy lại, khi ướp cá, thường cần phải có: riềng, gừng, nước mắm ngon.
Ngoài những nguyên liệu trên, chị em có thể sử dụng lá chè tươi, hoặc một ít trà khô (trà mạn).
Bước 4: Kho cá
– Bạn nên lưu ý rằng khi cho nước vào kho cá thì không nên đổ nước lạnh, mà nên đổ nước đun sôi vào kho để cá không bị tanh. Lưu ý, trong quá trình kho không đảo hoặc trộn cá lên vì như vậy sẽ làm cá nát và mất ngon.
– Lúc ban đầu khi mới bắc nồi cá kho lên bếp thì nên đun lửa thật lớn đến khi nồi cá sôi lên thì hạ lửa nhỏ đến khi cạn nước.
– Khi kho cá, bạn nên kho chung với một ít mỡ gà hoặc mỡ heo, cá kho sẽ béo và ngon hơn.
– Bạn cũng có thể cho thêm một ít nước cốt dừa vào nồi cá kho để cá được thấm gia vị, béo và thơm hơn. Cá kho xong nên rắc thêm một ít tiêu cho cá thơm hơn.
– Một điều chị em cần ghi nhớ là không nên cho dầu/mỡ vào cá ngay từ khi ướp, bởi làm vậy món cá sẽ mềm ra.
Hy vọng những thông tin của cơm văn phòng sẽ giúp chị em có thêm món cá kho đúng điệu cho bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn và đầy đủ chất dinh dưỡng.